LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
CỦA CÔNG TY TNHH MTV SÔNG CHU
Công ty TNHH MTV Sông Chu tiền thân là Chi cục Nông Giang Sông Chu được thành lập vào tháng 3 năm 1946 Sau cách mạng năm 1945 khi Ủy ban Lâm thời tỉnh Thanh Hóa tiếp quản hệ thống nông giang Bái Thượng.
Cùng với sự phát triển của đất nước; những thăng trầm của lịch sử đã từng bước trưởng thành tạo ra những mốc tiến bộ của mỗi thời kỳ và có những dấu ấn đáng ghi nhớ. Đến nay Công ty đã 6 lần thay đổi tên gọi:
1-Từ năm 1946 – 1955: Chi cục Nông Giang Sông Chu:
-Năm 1946 – 1948: trực thuộc Sở Thủy lợi khu 4;
-Năm 1948 – 1955: trực thuộc Sở Giao thông Công chính Thanh Hóa;
2-Từ năm 1955 – 1971: Ban quản trị Nông Giang Sông Chu:
-Năm 1955 – 1958: trực thuộc Ty Thủy lợi kiến trúc Thanh Hóa;
-Năm 1958 – 1971: trực thuộc Ty thủy lợi Thanh Hóa;
3-Từ năm 1971 – 1985: Công ty Thủy nông Sông Chu:
+ Năm 1971 – 1972: trực thuộc Ty thủy lợi Thanh Hóa;
+ Năm 1972 – 1973: trực thuộc Ủy ban Nông nghiệp tỉnh;
+ Năm 1973 – 1985: trực thuộc Ty thủy lợi Thanh Hóa (cũng trong khoảng thời gian này các hạt Nông Giang Thọ Xuân, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Nông Cống, Thị Xã Thanh Hóa cũng được đổi tên thành trạm quản lý thủy nông và trực thuộc Công ty).
4-Từ năm 1985 – 1993: Xí nghiệp quản lý khai thác Thủy nông Sông Chu trực thuộc Sở Thủy lợi Thanh Hóa.
5-Từ năm 1993 – 2007: Công ty quản lý khai thác thủy nông nam Sông Chu trực thuộc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Thanh Hóa
-Từ 23/11/1993 Công ty đã trở thành doanh nghiệp loại I của tỉnh trên cơ sở sáp nhập 2 Xí nghiệp thủy nông Tĩnh Gia và Như Thanh trực thuộc sở Thủy Lợi Thanh Hóa vào Công ty.
-Từ tháng 1 đến tháng 5/2003, thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới phát triển doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh quyết định sáp nhập 6 đơn vị gồm 3 xí nghiệp thủy nông: Tả Thọ Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy và 3 trạm thủy nông: Ngọc Lặc, Bá Thước, Mường Lát vào Công ty. Công ty thực hiện nhiệm vụ quản lý công trình thủy lợi và phục vụ tưới tiên trên địa bàn 16 Huyện, Thành phố trong đó có 7 Huyện miền núi
6- Năm 2007 thực hiện theo luật doanh nghiệp nhà nước công ty đã chuyển đổi thành : Công ty TNHH MTV Sông Chu trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa đến nay.
Với sự trưởng thành trong những năm qua mặc dù đã 6 lần đổi tên, mục tiêu phấn đấu trong từng thời kỳ khác nhau lại hoạt động trong điều kiện rất khó khăn nhưng Công ty đã liên tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ quản lý, khai thác, bảo vệ tốt các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, đời sống hiệu quả, góp phần đáng kể vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh.
Cùng với sự phát triển của mô hình tổ chức sản xuất, công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi và xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ sản xuất đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.
Năm 1926 hệ thống nông giang Bái Thượng chính thức đưa vào sử dụng nhưng do hệ thống công trình chưa hoàn chỉnh đồng bộ nên chỉ khai thác tưới được khoảng 8-10.000ha/vụ, chủ yếu phục vụ cho các chủ đồn điền và các nhà phú nông. Vào mùa mưa thường bị ngập úng, có nơi bị mất trắng.
Năm 1945, sau khi tiếp quản hệ thống Bái Thượng thì nhiệm vụ chủ yếu của Công ty là quản lý, bảo vệ công trình đã có và tổ chức nhân dân làm thủy lợi nhỏ, tu bổ, nạo vét, kéo dài kênh mương, khai hoang phục hóa mở rộng diện tích tưới. Nhờ đó đến năm 1951 phục vụ tưới được gần 12.000ha lúa, góp phần thau chua, rửa mặn hàng ngàn ha ở những vùng thường bị ngập mặn, nhiễm phèn.
Đến năm 1952, do ảnh hưởng của chiến tranh phá hoại miền Bắc, Đập Bái Thượng bị máy bay ném bom trúng thân đập làm vỡ đập không cấp nước vào hệ thống được, hệ thống bị hủy liệt nặng nề không còn khả năng tưới, phục vụ sản xuất nông nghiệp, phần lớn diện tích phải chuyển qua trồng màu thay lúa. Trước tình hình đó, Chi cục nông Giang đã vận động quần chúng đào ao, hồ, giếng, làm tiểu thủy nông để khai thác tận dụng nước tưới ruộng. Phong trào làm thủy lợi lan rộng khắp tỉnh với khí thế mạnh mẽ, có hiệu quả, hàng nghìn ao, hồ, giếng nước được đào, đảm bảo nước tưới 11.000ha lúa/vụ.
Năm 1954, thực hiện chủ trương của Bộ Thủy lợi – Kiến trúc và Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, Chi cục nông giang đã khắc phục mọi khó khăn và khôi phục cơ bản hệ thống Bái Thượng đợt 1 đảm bảo phục vụ 12.000ha lúa/vụ. Đến năm 1965 hệ thống Bái Thượng được khắc phục hoàn toàn đợt 2.
Dưới sự phát triển mạnh mẽ của phong trào thủy lợi. Trong 2 năm (1963-1964) Nhà nước đã đầu tư xây dựng một số công trình tưới, tiêu loại lớn như: Đập Bòng Bòng, hồ Đồng Lớn, Âu Bến Ngự, hàng chục kênh cấp II, III…. Nâng diện tích phục vụ lên 28.000ha lúa/vụ. Năm 1972 tăng lên 32.000ha lúa/vụ và đầu tư xây dựng thêm một số công trình tiêu lớn: Hệ thống Sông Đơ – Trường Lệ, các trạm bơm tiêu. Năm 1975 thực hiện hoàn chỉnh thủy nông hệ thống tưới bái thượng, … tưới tăng lên 34.500ha lúa/vụ. Năm 1985 tăng lên 37.250ha lúa/vụ. Năm 1993 tăng lên 38.500ha lúa/vụ. Năm 2004 năng lực tưới gần 47.000ha lúa/vụ, nhận quản lý các Hồ đập lớn Như Hồ Sông Mực, Hồ Yên Mỹ; các hệ thống tiêu lớn Như Hệ thống tiêu Quảng châu, Sông Lý, Sông Hoàng, Tiêu thủy thọ Xuân; các trạm bơm tiêu lớn trên địa bàn… đảm bảo nhiệm vụ tiêu gần 120.000ha; Ngoài phục vụ sản xuất nông nghiệp hệ thống thủy nông Sông Chu còn cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là khu Kinh tế Nghi Sơn, Khu công nghiệp Lam sơn Sao Vàng..v.v tạo nguồn nước cho nhà máy thủy điện phát điện như; Thủy điện Sông Mực, Thủy điện Bàn Thạch, thủy điện Poom buôi, Tén Tần- Mường Lát; cung cấp nước thô cho các nhà máy nước sinh hoạt trên địa bàn…
Đến nay, dưới sự phát triển mạnh mẽ, cùng sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, các công trình thủy lợi đã cơ bản hoàn thiện, từng bước hiện đại hóa đảm bảo phục vụ nước sản xuất nông nghiệp, cấp nước nuôi trồng thủy sản cho hơn 140.000ha/năm; cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt đạt gần 50 triệu m3/năm
Qua quá trình xây dựng và phát triển, Công ty TNHH MTV Sông Chu đã vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởng cao quí của đảng và nhà nước như:
- Huân chương Lao động hạng Nhất;
- Huân chương Lao động hạng Nhì;
- Huân chương Lao động hạng Ba;
- Bằng khen của Chủ tịch nước, thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ, tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Cờ thi đua của các cơ quan Đảng, chính quyền, chuyên môn và đoàn thể cấp trên;
- Các danh hiệu: Doanh nghiệp vì nhà nông; doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa..v.v
- Rất nhiều Huân chương, Bằng khen dành cho cá nhân.
Những phần thưởng quý báu đó là minh chứng cho sự cố gắng không ngừng nghỉ của các thế hệ lãnh đạo, người lao động , sự phát triển mạnh mẽ của Công ty qua từng giai đoạn.